Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Thằng bạn thân (Truyện ngắn)

Thằng bạn thân

Trong truyện trước tôi có kể về thằng bạn thân học cấp III tên là Hưng, từng làm chủ tịch huyện Thanh Miện 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ hai dở dang vì bị một thằng cũng học cùng lớp “chơi” cho mất chức. Với tôi, thái độ đối với một người nào đó không phụ thuộc vào quyền cao chức trọng hoặc danh tiếng mà phụ thuộc vào chính sự hiểu biết của tôi về người đó. Như đa số dân ta giờ nghe đến cái danh “GS Ngô Bảo Châu” được giải “fiu” thì đều phải thán phục, nhưng tôi có lẽ là người chê Châu nhiều nhất nước VN này. Ví dụ như: “Khi ví Hà Vũ như Kinh Kha  thì với tôi, Châu cũng ngô nghê như thằng trẻ con”; “Trần Mạnh Hảo dốt ngang với GS toán Ngô Bảo Châu về Đạo Phật… Châu không hiểu tí ti gì Đạo Phật và không có tí ti gì Phật tính… về chốn nguồn cội rưng rưng xúc động, lẽ ra Châu phải thông cảm, xót xa cho những cuộc đời bụi bặm, lam lũ thì lại chấp vào “ánh mắt thù địch” và khinh bạc cuộc sống của họ. Tất nhiên cuộc sống của người cầm đồ của một đất nước còn nhiều yếu kém không thể rực rỡ như một vị GS làm thuê cho Pháp, Mỹ được!” Trần Bình Minh đang cho lăng xê chương trình “Giai điệu tự hào” không biết sẽ nghĩ gì về Châu khi biết Châu viết thế này: “...dân tộc Đức là một dân tộc đã trưởng thành… tài sản tâm hồn là ký ức cả vinh quang và nhục nhã… Tại sao không lờ những gì nhục nhã, chỉ lưu lại lại những gì vinh quang, ngọt ngào? Người Đức có lẽ hiểu rất rõ rằng thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật. Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình. Thế nhưng người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn. Vì sự thật nhiều khi không có lợi, hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi”. Chơi chữ chữ “lợi” cũng hóm đấy nhưng tôi đã hỏi Châu là: “Dân tộc nào quen “nấu sự dối trá cho mình ăn”? Nếu không ám chỉ dân tộc Việt thì dẫn ra làm gì?” Chính vì suy nghĩ thế, Châu từng ủng hộ cô sinh Phương Uyên rải truyền đơn và âm mưu đặt bom tượng Bác ngày nào và ủng hộ cô Nhã Thuyên ca ngợi thứ thơ mất dậy, lật đổ gần đây. Trong buổi dự Hội nghị Phê bình lý luận VHNT Trung ương cuối năm qua, tôi nói với anh Vũ Quần Phương: “Anh bảo thằng Văn nhà anh làm toán thôi nhé!”. Vũ Quần Phương: “Anh bảo rồi”.
Ngược lại việc coi GS Châu lừng danh không ra gì tôi lại ca ngợi cô Vũ Thị Hòa, một người phụ nữ mò cua bắt ốc, gần như mới chỉ biết đọc, biết viết, là “nữ thánh”, bởi cô có những khả năng mà đến Einstein sống dậy, “có cho ăn kẹo” cũng không làm được. Tất nhiên với con mắt vô minh phàm trần thì không thể nhận ra được cô là ai mà phải nhìn bằng huệ nhãn. Cũng như tôi rất nể thằng Hưng bạn tôi, một thằng mà cuộc đời không có một sợi may mắn nào, đang học bố bị “kẹp xe” chết bỏ học, động viên đi học tiếp lại đi bộ đội, phục viên về làm anh nông dân chính hiệu. Vậy mà nó tự phấn đấu thành chủ tịch huyện được dân quý, dân yêu. Nhưng thật tiếc, nó vẫn không thể vượt qua được cái tham, cái xấu của người đời, đã bị một thằng bạn “chơi” cho mất chức. Tôi bảo nó: “Mày cứ coi thường chữ nghĩa của tao, tao từng cứu được nhiều người rồi đấy, sao không cho tao biết”; “Cũng định báo cho mày thật, nhưng lại thôi”.
Còn sau đây là mẩu chuyện tôi viết về những kỷ niệm với chính thằng Hưng “chủ tịch huyện” đó. Vì có thêm thắt chút ít phải đổi tên nó đi. Tôi đã in trong cuốn “Những dấu vết không phai”.
 Cuốn sách nhỏ từng được xếp hạng bestseller, làm tôi được mời lên truyền hình cùng Nguyễn Nhật Ánh. Một cô bé trong buổi hội thảo ở thư viện ngoài HN bảo “Tại sao người ta lại có thể viết ra những câu chuyện hay như thế?”; và ngay cả ông nhà văn to Nguyễn Khải cũng bảo: “Tính đọc để đi ngủ mà đọc đi rồi lại phải đọc lại”:
Những năm học cấp III, khi những thằng bạn thân hồi cấp II rớt hết, tôi chỉ có duy nhất một thằng bạn thân. Nó tên là Hân, hơn tôi một tuổi, cao to hơn, là một thằng rất dễ mến và hay giúp đỡ mọi người. Người nó săn chắc như một khúc tre đực. Nó vừa thông minh vừa khịu khó, nên học giỏi tất cả các môn. Chúng tôi học cùng lớp, nhưng thân nhau thì phải tính từ ngày hôm ấy.
Chiều ấy, lớp tôi tan học rất muộn. Trời đã sậm màu. Mưa xuân lay phay đính triệu triệu hạt kim cương lên tán những cây phi lao, xà cừ trên con đường ngoài cổng trường. Trường chúng tôi ở thị trấn cách làng tôi 8 km. Tôi đi học bằng chiếc xe “trâu” của cha tôi. Xe cao quá, ngồi trên yên thì đạp không tới peđan, nên tôi phải buộc một miếng bao tải lên khung xe để ngồi đạp. Trông buồn cười lắm, lũ bạn chê cười luôn, nhưng tôi biết làm sao được ! Con đường đá, mà nhiều chỗ máy cầy xích làm bật lên lổng chổng, lại xâm xấp nước, trơn tuồn tuột. Vì tay lái chưa được vững nên tôi đã bị ngã, văng xuống mặt đường nhớp nháp. Lũ bạn thấy vậy reo hò ầm ĩ:
- A! Thằng Huy “vồ ếch”! Chúng bay ơi, thằng Huy “vồ ếch”.
Tôi đang nhăn mặt đau điếng, bỗng có một bàn tay rắn chắc kéo tôi đứng dậy. Tôi nhận ra được thằng Hân, lớp trưởng. Nó nói:
- Thôi, mày đi xe tao, để tao đi xe mày cho.
Tôi biết ơn nó vô cùng, nhưng không nói ra lời. Xe của nó là chiếc xe thiếu nhi Đông Đức, rất phù hợp với chiều cao của tôi. Hồi học cấp II, nó vừa học giỏi, vừa ngoan nhất trường, nên đã được trường thưởng cho chiếc xe ấy.
Từ đó, chúng tôi thân nhau. Cả hai đứa cùng học giỏi, lại có cùng những sở thích, nên tình bạn chúng tôi như một mầm cây khỏe mạnh trồng trên một mảnh đất phì nhiêu, mầu mỡ. Ngày ngày đi học tôi ra cổng làng ngồi đợi, khi nó đến, chúng tôi lại đổi xe cho nhau. Cuộc sống tưởng cứ mãi êm đềm trôi như thế. Nào ngờ, một câu chuyện tày trời đã bất thần giáng xuống đầu thằng bạn của tôi.
Buổi học hôm ấy, thằng Hân không đi học, mà cũng không viết giấy xin nghỉ. Nó là lớp trưởng, hơn nữa lại là một thằng luôn chấp hành kỷ luật, nên chuyện này đã làm mọi người rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ, chắc nó bị bệnh đột ngột, hoặc gặp chuyện rắc rối gì đó, chứ không bao giờ bình thường mà nó lại nghỉ như vậy. Đám thằng Thọ, thằng Phúc thì nói: “Hôm nay thằng Hân mới lột mặt nạ. Thế mà thầy chủ nhiệm cứ “ca” nó hết lời. Chúng tôi vốn không ưa những thằng này. Thằng Thọ là con ông chủ tịch huyện, rất lười học, oắt con mà đã diện ra phết: nay quần này, mai áo nọ miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc là Điện Biên bao bạc. Hội chúng nó rất ghét hội chúng tôi.
Buổi tan trường hôm ấy, thầy chủ nhiệm lớp nói với tôi:
- Huy về, đến nhà Hân xem tình hình ra sao, mai báo cho thầy biết nhé!


Tôi vâng lời thầy, rồi dắt xe ra về. Đến đầu làng, tôi không rẽ về nhà, mà lại quyết định đến nhà Hân ngay. Làng nó gần làng tôi, nhưng tiện là cùng ở trên một trục đường. Từ ngày hai đứa thân nhau, tôi đã quá quen thuộc với cái làng ấy. Đầu làng có một cây đa rất lớn, buông râu rễ lòng thòng xuống mặt cái giếng làng trong vắt, có phủ những đám bèo ong. Từ cây đa đến nhà nó được nối bằng con đường lát gạch nghiêng, không biết có từ đời nào mà vẫn còn đỏ tươi, chân người, chân trâu đi đã mài bóng mặt gạch. Đến nhà nó, tôi vô cùng sửng sốt khi thấy tụ tập rất đông người, và có rền rĩ những tiếng khóc. Trời đã nhá nhem tối. Sân nhà nó đã được dựng lên một chiếc rạp, sáng trưng ánh đèn măng-sông. Tôi bước vào nhà thì vô cùng bàng hoàng khi thấy ở giữa nhà có kê một chiếc quan tài sơn đỏ. Trên đó, có đặt ảnh bố nó, và chiếc khay để bình hương, cốc nước, và bát cơm cúng… Tôi không tin ở mắt mình nữa. Bố nó mới hơn bốn mươi tuổi, sao đang khỏe mạnh tự dưng lại chết?! Tôi lọt thỏm giữa đám đông bi thương ồn ào, và mãi mới gặp được thằng bạn mình. Nó không khóc, đôi má bầu bĩnh của tuổi mười bảy không thể hốc hác được, nhưng tôi thấy đôi mắt nó trũng xuống, quầng thâm. Thấy tôi, nó chỉ nó có một câu:
- Bố tao bị kẹp xe !
Tôi rất muốn biết ngay sự việc cụ thể ra sao, nhưng hỏi chuyện lúc đó thật không tế nhị một chút nào nên đành im lặng. Mấy hôm sau đó, tôi mới được biết: bố nó đi Hải Dương, một chiếc xe chở nứa chạy trước, đột nhiên để rơi xuống một cây ngáng đường đã làm ông vấp ngã, rồi phía sau, một chiếc Ifa do một tay lái say rượu, đã chồm lên !...
Sau đó thằng Hân làm đơn xin nghỉ học. Nó là con cả, sau nó còn những 5 đứa em nữa, nên mẹ nó không thể một mình làm đủ công điểm nuôi anh em chúng nó được. Cả lớp chúng tôi sửng sốt, riêng tôi thì tiếc ngơ ngẩn. Tôi cảm thấy mình vừa để mất một cái gì đó rất gần gũi, rất thiêng liêng. Thầy chủ nhiệm đã đến tận nhà Hân vận động. Nhưng quả thực, hoàn cảnh nhà nó quá éo le, nên nó không thể tiếp tục đi học được. Cuối cùng, thầy đã tìm được một giải pháp thích hợp: thầy đã đề nghị nhà trường cấp học bổng cho Hân, đồng thời làm đơn xin địa phương trợ cấp cho nhà Hân, để một học sinh có nhiều triển vọng, được tiếp tục đi học. Mọi việc đã đạt được kết quả như ý. Hân lại tiếp tục đến lớp. Năm ấy nó đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc. Trong kỳ thi học sinh giỏi toán và văn toàn tỉnh, nó đã đoạt được cả hai giải: giải nhất toán, và giải nhì văn. Nó đã không phụ công lao của thầy cô, bạn bè, và dân làng.
Nhưng đường học tập của thằng bạn tôi quả là khấp khểnh. Vào đầu năm lớp mười, trong một đợt khám nghĩa vụ quân sự, nó lại trúng tuyển vào bộ đội đặc công. Nó khỏe nhất lớp thì ai cũng biết, nhưng việc nó trúng tuyển bộ đội đặc công vẫn làm cho bọn con trai chúng tôi ngạc nhiên và thán phục. Một lần nữa, thầy chủ nhiệm lại lên huyện đội đề nghị hoãn nghĩa vụ quân sự cho Hân. Huyện đội cũng đã chấp nhận. Nhưng lần này thì nó cứ khăng khăng giữ ý định của mình. Tôi cũng đồng ý với nó, vì trúng tuyển vào đặc công có phải là chuyện thường đâu! Cứ xem mấy ông đặc công nện mấy thằng ma cà bông thì thật sướng mắt. Thế rồi, nó lên đường, và được chuyển đến Hà Tây tập luyện. Ở đó, nó viết thư về cho tôi. Nó kể những buổi mặc áo trấn thủ, mang rơm rạ ra trải ở đồi cỏ để tập võ thuật, những đêm cởi trần, bôi đen người, tập rà mìn, cắt rào, chui vào căn cứ của địch, và cả những lần quại nhau với những thằng “tóc dài, quần loe” trêu gái nữa… Đọc thư nó mà tôi thấy máu trong người cứ sôi lên. Tôi nhìn không chán các bức ảnh, và thèm khát cái vẻ cương nghị, dạn dầy của nó trong bộ quân phục. Nhưng tôi biết làm thế nào được khi mình chưa đầy mười bảy tuổi và mới nặng có ba tám ký rưỡi.
Sau mười tám tháng tập luyện, nó được vào chiến trường, rồi từ đó, chúng tôi đã bặt tin nhau.
Sau này, tôi cũng đã vào chiến trường, đã đi học đại học, và đã đi làm, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm sâu đậm về thằng bạn ấy, thế nhưng tôi vẫn không biết nó đã ra sao. Đi hỏi thăm thì thú thực, tôi lại ngại. Tôi đã xây dựng gia đình và trở thành người Sài Gòn. Mãi đến kỳ ra Hà Nội vừa rồi…
Tôi đã được bạn bè là giáo viên của một trường đại học mời dự một buổi trình bầy một đề tài thú vị có liên quan đến công việc nghiên cứu của tôi ở Viện Dược: “Chiết xuất diosgenin từ cây mía dò”. Tất nhiên mới ở cấp độ định tính, tìm hiểu lý thuyết. Diosgenin là một chất thiên nhiên có bộ khung steroid đã được dùng làm nguyên liệu để bán tổng hợp các hooc-môn và thuốc chống viêm họ steroid. Đến giờ giải lao, tôi đã tìm gặp người trình bầy, không ngờ anh ta lại ôm chầm lấy mình:
- Có phải Huy không! Có phải mày không, Huy?!
- Ớ, Ớ…
Tôi kêu lên ngạc nhiên, và lục lọi nhanh trong ký ức những guơng mặt, những vóc dáng. Tôi thấy đúng là thằng Hân, nhưng sao nó lại bé tẹo như thế! Tôi kêu lên:
- Hân! Có phải Hân không ?!
Đúng là nó, và thế là chúng tôi cứ ôm riết lấy nhau, mặc cho mọi người xung quanh rất đỗi ngạc nhiên. Sau hơn chục năm sau giải phóng đầy khó khăn, ai cũng lo mưu sinh, nên nay mới gặp lại thằng bạn. Xưa nó lực lưỡng, to gấp rưỡi tôi, không ngờ nay lại thấp hơn tôi đến nửa cái đầu. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, hỏi nhau không biết bao nhiêu là chuyện.
Chiều ấy, chúng tôi đã rủ nhau ra hồ Gươm để trò chuyện. Tôi được biết Hân đã bị thương ở mạng sườn, hiện đang là chủ tịch xã ở quê, một xã đứng đầu huyện về nhiều mặt. Tuy đã về với cày cuốc, nhưng niềm say mê khoa học vẫn không tắt trong trái tim Hân, Hân đã xin học hệ không chính quy và say mê nghiên cứu, tìm hiểu, nhất là lĩnh vực cây con làm thuốc, những mong áp dụng được ở quê. Bởi vậy mới có ngày hôm nay. Chúng tôi mê mải nói với nhau bao nhiêu là chuyện, lục bới từng kỷ niệm… quên hết mọi thứ xung quanh. Bỗng chúng tôi chợt nghe thấy tiếng chuông đồng hồ trên nhà bưu điện vang lên. Tôi dõi nhìn một cách vô định vào mặt hồ xanh ngắt, có bóng mây trắng lững thững trôi. Thời gian cứ bình thản qua đi và đặt ra cho mỗi con người bao thử thách. Tôi nắm lấy bàn tay sần sùi, chai sạn của Hân và thấy xúc động. Trước đây, tôi đã luôn khâm phục Hân về sức khỏe, về lực học, thì giờ đây, khi tôi đã cao to hơn, đã có trình độ cao hơn, trong lòng tôi vẫn còn nguyên vẹn niềm cảm phục trước cái nghị lực sắt đá của người bạn, mà cuộc đời có quá nhiều trắc trở này.
 1995