Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

TÌM QUÊ

Tìm quê


Hôm nay tôi muốn kể câu chuyện về gốc tích quê tôi, cái vùng quê hẻo lánh thế vậy mà thuở xưa tổ tiên, cụ kỵ cũng từng theo Trần Hưng Đạo đánh Tầu. Chiến thắng trở về thì sinh cơ lập nghiệp tại đó.
Dưới đây là một mẩu trong tập truyện ngắn đã in của tôi. Trong đó tôi có giới thiệu Bản Ngọc phả viết về cụ Thành Hoàng làng tôi. Có điều theo bản Ngọc phả này thì cụ cai quản cả xứ Thanh Miện từ đời Nhà Trần, cụ là một tướng của Trần Hưng Đạo. Còn phía Từ Ô gần quê tôi là đất thuộc con cháu của chính Trần Hưng Đạo. Bản Ngọc phả này tôi đã nhờ nhà thơ, nhà phê bình Hoài Anh rất giỏi về chữ nghĩa xưa dịch, một ông anh rất thân thiết với tôi nay đã mất. Anh là người mà trong giới văn chương gọi là "bách khoa toàn thư", cũng là hậu duệ nhà Trần nên từng hỏi tôi "Ông ở Thanh Miện thì có biết Từ Ô không?". Không biết các vùng khác ở huyện Thanh Miện có Ngọc Phả thì sẽ thế nào?
Không ngờ lịch sử của một làng quê nhỏ bé cũng mang vóc dáng lịch sử của đất nước, trong đó cũng có chuyện chống cái thằng "Tầu"!

Mỗi lần về thăm quê, tôi lại có cảm giác như phải đi tìm quê trên quê hương của mình. Đó là quê xưa. Ngày ấy, quê hương như một khoảng râm mát yên lành. Mỗi người đi xa trở về ai cũng muốn ngợp vào đó để mà quên đi những chặng đường đời đầy nắng lửa. Quê hương như thơ mộng hơn, thần tiên hơn. Mỗi ngõ nhỏ, mỗi lùm cây, mỗi bờ chuôm, bờ ao… đều có những sự tích, đều có phủ một lớp sương khói vô hình linh thiêng. Đi đêm trẻ con rất sợ ma…
Bây giờ không thế nữa. Quê tôi như đã thị trấn hoá. Các nhà mái ngói, mái bằng đã thay thế những ngôi nhà lợp rạ ngày xưa. Đó là một điều tốt. Có một ai lại không muốn quê mình phát triển? Nhưng có điều, đã có một vẻ trần trụi, xô bồ thay thế cho những gì tươi mát, yên bình ngày xưa. Người ta đã vặt trụi thiên nhiên như vặt trụi đi những kỷ niệm. Nó như là một kết quả của sự cằn cỗi hoá tâm hồn con người. Chỉ còn lại những tham vọng, những ganh đua. Hình như trẻ con bây giờ không còn chơi những trò chơi hồn nhiên thuở nào. Những cây đa um tùm râu rễ như những cây cảnh khổng lồ, tuyệt đẹp không còn; những ao hồ ngát hương sen từng tắm mát tuổi thơ bao thế hệ cũng không còn; lúc nào lòng cũng cạn trơ để người ta lấy đất đóng gạch. Cái sân kho rất rộng thì thành sân phơi gạch lổng chổng, nơi ngày xưa, khi ông trăng tròn xoe đậu trên đầu rặng tre đầu làng, chúng tôi hồi hộp đợi những quả chuối, những múi bưởi của Tết Trung thu. Ngay ngôi chùa làng linh thiêng cũng như co rúm lại. Bởi cả cái khuôn viên mênh mông đã được chia cho dân làng làm nhà. Nơi từng có giếng nước, cây si mà người ta bảo có tổ một con rắn trắng, mào đỏ, dài đến hàng chục mét…
Ngôi chùa vẫn còn đó, sạm mốc, già nua, lặng lẽ trong lãng quên.

***
Còn trẻ, ngườ ta ít nghĩ đến quá khứ. Nhưng càng lớn người ta sẽ càng nghĩ nhiều hơn, nhất là khi những giá trị vật chất không còn làm điên đầu người ta. Người ta nghĩ đến cha ông, đến tổ tiên, và xa hơn, nghĩ đến lịch sử. Đến với lịch sử, ta như được sống một cuộc sống mấy ngàn năm.
Tôi nhớ thấp thoáng, hồi nhỏ ông tôi và mấy ông già thường nói chuyện về một bản ngọc phả gì đó. Còn là trẻ con nên tôi chẳng thấy có gì quý giá. Nhưng khi lớn khôn, tôi rất tiếc. Bởi trong ngọc phả đó đã cất giữ những bí mật của thời gian, một thời gian đã hàng ngàn năm trôi qua nơi quê hương tôi. Mãi vừa rồi, không ngờ một ông già ở làng đã đưa cho tôi bản ngọc phả ấy. Tôi mừng như gặp lại một vật báu. Bản ngọc phả được viết bằng chữ nho trên giấy dó đà úa vàng và sờn mòn theo thời gian. Đó là bản gốc hay bản sao? Nếu là bản sao thì ai sao, sao từ bao giờ? Chắc không ai rõ. Nhưng có lẽ, những điều ghi chép trong đó có thể là sự thât. Bởi nó không phải được các cụ ở làng tự viết ra. Mà nó được môt học giả cách đây hơn 500 năm (đời Hồng Đức, nhà Lê sơ) viết về một khoảnh khắc khác cách đây gần 800 năm (đầu nhà Trần). Nếu đúng vậy, có ai ngờ rằng mảnh đất con con, heo hút này cũng là một chúng nhân; lịch sử oai hùng của một dân tộc cũng đã để lại những dấu vết nơi đây.

***
Bản ngọc phả ấy viết rằng:
“Triều Trần, thời vua Thái Tôn đang lúc thịnh trị, ở động Sài Sơn (Núi Thầy) huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây có một nhà họ Hoàng tên Mi, lấy người cùng động là Đỗ Thị làm vợ, duyên cầm sắt không hẹn mà gặp. Trải nhiều đời, lấy nghề thuốc làm điều thiện nhỏ, một mảy may điều ác cũng không làm. Đến vợ chồng Hoàng công, một chút hại người cũng không nghĩ đến, một mảy lợi riêng cũng không để lòng. Địa phương đều ca ngợi là người tốt. Nhưng vợ chồng ông tuổi đã cao mà vẫn chưa có con trai, con gái. Hai người rất buồn. Một hôm, vào ngày húy nhật Tiên Tổ, vợ chồng nhìn nhau mà than rằng: “Tội bất hiếu có ba, không con là lớn nhất, một mai biết cậy ai giỗ chạp Tổ Tiên, trông nom phần mộ?! Chi bằng tán tài làm phúc, cầu có con nối dõi mới thỏa lòng, trời hẳn phù hộ cho”. Nghĩ vậy làm liền, phàm các đền thần, chùa Phật, đều đến quyên cúng, lập đàn cầu đảo thiên địa, chư Phật chứng minh. Ngày thì hương hoa dâng hiến, đêm thì tụng niệm chân kinh, tin rằng người làm điều thiện trời ắt đền đáp. Một ngày khí  trời mát mẻ, vợ chồng ông nằm ở phòng chính, chập chờn thiếp ngủ, ông bỗng mộng thấy một tòa điện vũ nguy nga, trưng bày la liệt những vàng bạc, châu báu, ngọc quý, kỳ trân dị bảo, không thể có ở thế gian. Ông liền lấy trộm một vật kỳ trân giấu trong tay áo, chưa kịp trở ra, thì thấy một quan nhân áo xanh, mũ đỏ nói: “Đây là chốn thâm nghiêm, bảo vật ở Quỳnh cung trên đời, đều có hai viên thư hùng, nay đem viên hùng cho ngươi để làm gia bảo. Ngày sau ắt sinh quý tử”; lại còn đưa tặng một bài thơ. Ông bèn hành lễ, nhận bài thơ, rồi mở ra xem thì thấy có bốn câu:
Kỳ trân bảo vật hứa hoàng gia
Sinh nhất nam hề đích thị kha
Tích thiện chi gia thiên tứ phúc
Ức niên vĩnh viễn đối sơn hà
Ông ghi nhớ chuyện trong mộng. Sau đó thấy ứng nghiệm, Đỗ Thị có mang. Đến ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Dậu, giờ Tý, sinh một con trai diện mạo khôi ngô, trắng trẻo, tay dài quá gối, sức vượt hơn người. Được cha mẹ trân quý, nên đặt  là Trân. Ngày tháng thoi đưa, năm ông Trân 11 tuổi thì cha mẹ đều mất. Năm 17 tuổi ông theo học Dương Đường tiên sinh ở thành Thăng Long. Ông vốn thông minh, học được vài năm thì văn chương thấu triệt, võ bị tinh thông; hiểu rộng xưa nay, biết trùm trời đất; phàm kinh sách Nho Phật, không gì là không am tường, địa lý thiên văn đều nắm vững, hành động thì theo lễ, ăn nói thì chọn lời, phóng khoáng có chí lớn hơn người… được thầy hết sức khen ngợi.
Lúc đó Thái Tông hạ chiếu truyền cho các quận huyện đều cử người hiếu liêm, hiền lương phương chính, văn võ kiêm toàn, học vấn sâu rộng, cho lên kinh thành ứng tuyển. Ông Trân nghe được bỗng động chí tang bồng hồ thỉ, liền lên kinh thành ứng thí. Khi bệ kiến đế đình, Thái Tông thấy ông tướng mạo đường đường, uy phong lẫm liệt, văn võ song toàn, thông minh xuất chúng, mới phán rằng: “Trời sinh người hiền phò tá triều đình mà sao ta được khanh quá muộn. Hiện nay quốc gia mới sơ khai, lòng người chưa quy phục, ở một dải Thanh Miện Hải Dương có bọn đạo tặc họp đông, nhân dân nhiều bề khổ cực. Trẫm muốn khanh đến trị nhậm Thanh Miện vài năm, phủ dụ dân tình theo về thánh hóa. Khi đạo tặc dẹp yên sẽ triệu khanh trở về phong cho tước trọng”. Ông phụng mệnh bái tạ vua, đến trị nhậm Thanh Miện. Một hôm ông đi qua địa đầu xã Đông La, thấy địa thế quanh co, rồng bao hổ bọc, các ngôi sao đều chầu về, quang cảnh mới mẻ, đẹp đẽ khác thường, bèn truyền cho binh sĩ và nhân dân thiết lập một cung trong làng, làm chỗ dưỡng nhàn ngày nghỉ. Ông an ủy dân tình, thi nhân bổ đức, trong ba năm mà đạo tặc dẹp yên. Ông cứ mười ngày một lần đi khắp huyện, khuyên dạy việc nông tang và hưng lợi trừ hại, lại có thể lấy nhân nghĩa mà cố kết nhân tâm, lấy hòa nhượng mà hun đúc thành mỹ tục, khiến phong khí xấu vùng Thanh Miện xứ Đông thay đổi hết. Vua nghe tin hạ chiếu thư ban thưởng, triệu về phong làm Xã tắc lệnh chủ chưởng binh nông các sự. Lúc ấy nhà Trần sùng đạo Phật. Ông Trân coi công danh như ngoại vật, không thiết gì danh lợi, hành lễ bái tạ trở về cung Đông La ở. Nhớ cha mẹ, thờ kính thánh thần, ông cho xây chùa Đông La. Một hôm, vào năm Ất Dậu (1285), khi vua Trần Nhân Tông tức vị, ông bỗng nhìn thấy một đám mây đen từ phương Bắc xâm nhập mặt trời, chốc lát trời đất tối tăm, mưa gió, sấm chớp mịt mù, giây lát tự dưng biến mất, trời đất lại phong quang như cũ. Ông biết quốc gia có đại biến, vội chỉnh đốn hành trang chuẩn bị về triều bái mạng. Bỗng sứ thần tới triệu, nói rằng quân Nguyên do hoàng tử Thoát Hoan, các tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi, Nguyễn Bá Linh dẫn 50 vạn tinh binh đến xâm lượt, uy thanh chấn động, vua kíp triệu các tướng lĩnh, mưu sĩ hồi trào. Ông phụng mệnh về trào bái tạ vua, rồi cùng các tướng lĩnh, mưu sĩ theo Hưng Đạo Vương đến Vạn Kiếp chống giặc. Với kế vườn không nhà trống, triều đình rút khỏi Thăng Long, đợi thời cơ tiêu diệt giặc, vượt qua bao hiểm nguy, chỉ khoảng 6 tháng. Với những trận quyết định ở Tây Kết chém Toa Đô, cửa Hàm Tử, bến Chương Dương…, quân ta đại thắng. Trấn Nam Vương Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn chạy về nước. Khi gia phong tướng sĩ, ông Trân cũng được vua phong làm xã lệnh đại vương, ban cho tiết việt, chung hưởng thái bình. Ông bèn rước sắc trở về cung Đông La, giết trâu mổ bò ăn mừng, khao thưởng nhân dân sĩ tốt.
Tháng 11 Năm Đinh Hợi (1287), Hốt Tất Liệt lại xua hơn 90 vạn quân báo thù. Đại quân lại do Thoát Hoan với hai cánh do Hữu Thừa Trình Bằng Phi và Tham Chính Bột La Hợp Đáp Nhi cùng cánh thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy. Trần Hưng Đạo lại bỏ Vạn Kiếp, cho triều đình rời khỏi Thăng Long, lại chờ thời cơ, đánh phá thuyền lương, rồi đại phá quân Nguyên tại sông Bạch Đằng, bắt sống Ô Mã Nhi. Thiên hạ lại thái bình. Lần này ông Trân cũng có công hiến kế, vì thái tử Nguyên thích ca công người Việt, ông Trân liền bàn mưu rồi trở về Đông La, chọn con trai đẹp, có sức khỏe, dũng cảm địch nổi trăm người. Trong một trận, ông cho họ mặc yếm, đội khăn con gái, giả làm mỹ nữ ca múa, vào trong doanh trại quân Nguyên ca hát. Tướng Nguyên say mê xem ngắm. Quân ta ngoài đánh vào, trong đánh ra thắng to. Ông được Vua viết thủ thư cho được hưởng các khoản sưu dịch của xã Đông La, để làm hương hỏa thờ cúng ông sau này.
Lúc ông hơn 90 tuổi, ông cùng một số người làng Đông La chu du bốn biển, trải khắp núi sông, tản bộ nước non, thăm thú mọi chốn. Một hôm, đến núi Yên Tử, nơi vua Nhân Tông xuất giá đi tu, bỗng thấy mưa gió nghịt trời, ông ở trong đó bàng hoàng tự nhiên mà hóa (ngày 25 tháng chạp). Nhân dân liền làm biểu dâng vua. Vua sai sứ thần đến làm lễ tế, lập miếu ở chỗ hành cung cũ, viết thần hiệu để thờ phụng, lưu truyền hương lửa vạn đại vô cùng.
Khi Lê Lợi dấy binh đánh quân Minh, xưng vương ở Lam Sơn, sai tướng Nguyễn Xí đến hành lễ cầu đảo đại vương, đều có linh ứng. Khi Thái Tổ lên ngôi liền phong tặng mỹ tự Khoát đạt Hồ quốc an dân thượng đẳng phúc thần, sai quân về tế, cho trùng tu miếu điện ở Đông La, để thờ phụng, lưu truyền muôn đời, cùng trời đất trường tồn.
Một đạo sắc phong làm Đương cảnh thành hoàng Xã lệnh Khoát đạt hộ quốc an dân đại vương, cho phép xã Đông La thờ phụng.
Bắt tường khai giờ sinh, giờ hóa và tên húy của ông Trân và cha mẹ, cấm không cho dân phạm húy, cấm mặc quần áo màu đỏ.
Ngày sinh thần, 15 tháng tám, dùng cỗ lợn tế, sau đó có ca hát.
Ngày mồng 1 tháng giêng, phong sắc khai xuân, tổ chức lễ khánh hạ, dùng cỗ bàn, ca hát, hành lễ đến ngày rằm thì dừng.
Ngày thần hóa 25 tháng chạp, dùng cỗ bàn tế.

Ngày lành tháng 11 năm Hồng Đức thứ nhất, hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, thần Nguyễn Bính phụng soạn.
Ngày lành tháng ba năm Vĩnh Hựu thứ 12, quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, thần Nguyễn Hiền phụng sao”.
***
Tôi mang bản Ngọc phả nhờ ông anh bạn vong niên, Nhà thơ Hoài Anh, mà trong giới văn chương coi là “Bách khoa toàn thư”, dịch. Xong, tôi mang đến khoe ông anh cùng làng (anh Nguyễn Ngọc Thu) ở trường Tổng hợp. Tôi nói:
- Em đã tra mấy cuốn sách viết về đời nhà Trần sao không thấy mặt mũi ông Trân quê mình đâu cả?
- Chắc tại chức vị và công ông nhỏ nên không được nhắc đến.
- Ông cũng thuộc diện Vua biết mặt Chúa biết tên chứ bộ. Liệu có ai bịa ra chuyện này không?
- Không đâu. Bản viết này đã được truyền lại từ lâu. Nó đâu có giá trị vật chất, các cụ giữ lại chỉ vì lòng thành kính. Chẳng ai lại đi lưu giữ, đi thành kính đối với một điều bịa đặt. Hơn nữa còn có ghi rõ tên tuổi người soạn, người sao, mà cũng khớp với những di tích còn lại. Mỗi một cuộc chiến tranh đã có biết bao anh hùng vô danh. Cũng như mấy ông liệt sĩ ở quê mình, nếu người làng, người xã mà không biết thì bên ngoài ai người ta biết đến?
***
Mai tôi lại về Sài Gòn. Mẹ tôi làm cơm, bà mổ gà rang (nấu) với chuối xanh. Ở quê tôi, chuối xanh thường được dùng nhiều để nấu các món ăn: Chuối xanh nấu ếch, chuối xanh nấu ốc, chuối xanh “rang” cổ cánh gà… Có một tính khoa học trong chuyện nấu nướng này. Nhựa chuối có chất chát là tanin có khả năng làm keo tụ những protid tanh của thực phẩm. Các món ăn quê tôi thường có cái này đi với cái kia. Ví như cà pháo mắm tôm; thịt gà lá chanh; cá rô nấu canh rau ngót; làm chả cá chuối (cá lóc) phải có rau mần tưới hoặc thì là; chả rươi có vỏ quít; chả rắn phải bọc với lá bưởi rang trên chảo gang; nem gói bằng lá ổi; dồi lợn có rau xương sông và rau ngổ (rau ôm); rồi canh cải nấu cua, canh bầu nấu hến thì vua cũng dùng… Quê tôi nghèo, nhà tôi cũng nghèo, nhưng có những món ăn của tuổi thơ mà có đi tới cùng trời cuối đất người ta cũng không thể quên.
Chuẩn bị ăn cơm thì tôi lại được mời đi ăn cỗ. Một anh chàng được chia đất sân chùa, xây "mái bằng", mời tôi đến chơi. Tôi nhận lời chủ yếu vì tò mò. Đúng là nhà hai tầng thật, nhưng nhôm nhoam, quê kệch. Căn nhà sát bên ngôi chùa cổ, cao gấp rưỡi, ngông nghênh.
Tôi bỗng thấy buồn. Có những giá trị mà thời gian, chiến tranh, thiên tai không thể tàn phá nổi. Nhưng sự thờ ơ và sự lãng quên của chính con người thì có thể. 

Viết tại TPHCM
1995