Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

NHÂN CHUYỆN BÁO NGƯỜI CAO TUỔI: VÀI Ý VỀ NÉM CHUỘT VÀ BÌNH



NHÂN CHUYỆN BÁO NGƯỜI CAO TUỔI:
VÀI Ý VỀ NÉM CHUỘT VÀ BÌNH

Chuyện ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người cao tuổi, được đề nghị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua vì công trạng chống tham nhũng nhưng kết quả lại bị đề nghị cách chức, phạt tiền, bị điều tra dấu hiệu tội phạm quả là một chuyện lạ lùng. Đọc kỹ thấy ông Kim Quốc Hoa và Báo Người Cao tuổi đúng là sai phạm ở chỗ viết về tệ nạn đã thổi phồng, vơ đũa cả nắm, nói theo ý dân gian là: “Ném chuột ném vỡ cả bình”!
Có điều những chuyện báo Người cao tuổi viết lại đúng là có thật trong xã hội chúng ta, chính các nhà lãnh đạo cao nhất cũng thường xuyên nói đến. Vì vậy xem chừng sai phạm của ông Kim Quốc Hoa, của báo Người cao tuổi còn nhẹ hơn những tác giả, những báo đăng những quan điểm sai phạm về ý thức hệ, về chính trị tư tưởng, với những quan điểm lộn ngược, đổi trắng thay đen, lấy cớ ném chuột để ném vỡ bình, thậm chí còn nuôi chuột để ném vỡ bình! Vậy tại sao chỉ có ông Kim Quốc Hoa và báo Người cao tuổi bị Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra còn những nơi bị sai phạm nặng hơn thì không?
Xin lấy vài thí dụ:
Ông Chu Hảo, một người từng coi những chiến sĩ công an làm nhiệm vụ giữ gìn trị an là “địch”; Huy Đức ca ngợi sĩ quan VNCH tự sát khi cùng đường là tuẫn tiết thì ông khen là “trong sáng”. Vậy mà trên VietNamNet đăng buổi tọa đàm với Chu Hảo. Khi nói về vấn đề “the-nao-la-tu-duy”, ông ta nói: 
“Khi người ta phát hiện rằng, thay vì 2 vật tương tác với nhau, nếu cho 3 vật tương tác thì phương, chiều và lực xuất hiện vô cùng đa dạng và không thể tính toán hết. Con người phát hiện ra rằng họ không thể kiểm soát mọi vấn đề, không thể dự liệu hết các tình huống”.
 Có điều nếu ông so sánh điều này giống với chuyện đa nguyên, đa Đảng thì rất đúng. Nhưng ông lại cho nó là cơ sở khoa học để ông từng ký tên vào danh sách đòi thay Hiến pháp, bỏ Điều 4 hiến định quyền lãnh đạo của Đảng  thì nó lại chống lại chính ông ta.
Trên VietNam.net cũng đăng bài Vì sao Phạm Xuân Ẩn không bị lộ? của Nguyên Ngọc. Trong đó Nguyên Ngọc cho chúng ta trong chiến tranh đã nhìn sai về sự xâm lược, cho sự căm thù giặc là “không bình thường”; rồi cho dạy lịch sử không nên “bồi đắp chủ nghĩa yêu nước” nữa vì bị chính trị hóa; và cũng không nên ca ngợi các Bà mẹ VN Anh hùng quá vì sẽ làm đau lòng các bà mẹ lính VNCH! Trong bài Không thể lẫn lộn lịch sử với chính trị, trước tình trạng học sinh thi môn sử điểm rất kém, cũng trên VietNam.net, Nguyên Ngọc viết:“vì đó là những môn bị chính trị hóa nhiều nhất, nặng nề nhất!”.
Chỉ có sự “chính trị hóa” lịch sử của lực lượng nắm quyền phản động, phản tiến bộ, phục vụ cho việc cai trị, không đúng bản chất của sự thật lịch sử mới sai trái. Phải chăng Nguyên Ngọc cho nền “chính trị” của xã hội chúng ta là phản động? Quan điểm chính trị liên quan đến tốt xấu, thiện ác nên tách rời lịch sử khỏi chính trị, xóa nhòa mọi ranh giới như ý Nguyên Ngọc ở trên mới là sai trái.
Trên TuanVietnam.net, cũng từng đăng bài của Kỳ Duyên Nhạc sĩ Phạm Duy tài danh và 'điệp khúc' hổ thẹn:
Cũng giữa những ngày này, người hâm mộ nhạc Phạm Duy còn đang đắm mình vào những ca khúc nổi tiếng, tài hoa của ông, thì có một "điệp khúc" khác, cứ lặp đi lặp lại, thật đáng hổ thẹn. Đó là "điệp khúc công chức 100 triệu".
Nhà nước đã rất đúng, rất nhân đạo khi có chính sách dang rộng vòng tay đón những người như Phạm Duy trở về. Nhưng dùng “tài hoa” của Phạm Duy đối lập với tệ nạn mua bán chức để vừa ca ngợi Phạm Duy vừa phê phán chế độ, coi một người mấy lần phản trắc như ông là mẫu mực lại là một cái nhìn sai trái. Phạm Duy từng viết:
Một ngày 54, cha lìa quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày 75, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương!...
Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui
Sài Gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người…
Cũng trên VietNam.net đăng lời ca ngợi Phạm Duy “không ai có một sự nghiệp sánh được với Phạm Duy”. Phạm Duy có tài thì không ai phủ nhận nhưng cho không ai có một sự nghiệp sánh được” với ông cũng là không đúng. 
    Xin bạn đọc lưu ý, trang Vietnam.net lại là trang của chính Bộ 4T.
14-2-2015
ĐÔNG LA