Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

ĐI ĐÁM CƯỚI NHỚ BẢO NINH VÀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

ĐÔNG LA
ĐI ĐÁM CƯỚI NHỚ BẢO NINH
VÀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

Tôi cùng vợ, anh vợ về quê vợ dự đám cưới con gái người chị họ xa.
          Một nơi có nhiều kỷ niệm vì nhà chị là hàng xóm cách nhà cha vợ tôi vài căn mà hồi hai đứa con còn nhỏ vợ chồng tôi thỉnh thoảng về thăm, một lần tôi còn đưa mẹ tôi từ Bắc vào đến tận đó thăm nhà ông “sui” nữa.
          Ngôi nhà không còn vì cha vợ tôi đã bán, lên TPHCM ở, giờ ông cũng không còn, “nhà” của ông ở bên ngoài nghĩa địa của ấp.
          Vợ chồng người chị họ, chồng cắt tóc, vợ trước bán cháo vịt ngay tại nhà, ở chính trên tuyến “phố” khá lớn nối bờ sông Vàm Cỏ tới nhà thờ. Nay nó đã được làm đẹp, có cây kiểng xén tỉa như đại lộ trên thành phố.
          Cô dâu ngày nào còn nhỏ xíu, nay đã là cô giáo dạy tiếng Anh:
          Đám cưới nhà quê của một gia đình bình thường như bao gia đình thôn quê khác, không sang trọng kiểu cách như ở thành phố nhưng tình thật và thức ăn đúng là thứ thiệt:
          Lại nhớ gần tết năm ngoái tôi cũng về quê dự đám cưới đứa cháu út, con thằng em út của tôi. Nó trước đây bán cháo lòng, rồi làm thêm giò chả, vì làm giò chả “mát” tay bán chạy quá giờ chỉ làm giò chả thôi. Thông gia với nó hồi đầu theo anh trai là kiến trúc sư vào Sài Gòn đúng là chỉ làm “thợ hồ” sau lên thầu thế nào đó. Nhưng đám cưới cháu tôi cũng rất linh đình, nơi rước nó về là một căn biệt thự khang trang cha chồng mới xây. Ảnh đám cưới nó thì đúng như Hàn Quốc:
          Còn trước nữa thì chính tôi cũng làm đám cưới cho con gái.
Tôi tuy kỹ sư, nhà văn nổi tiếng nhưng thực ra chỉ là một công dân bình thường. Nhưng tiệc cưới của con chúng tôi được tổ chức tại The ADORA thuộc Tập đoàn Đông Phương, sở hữu chuỗi trung tâm hội nghị, tiệc cưới nổi tiếng:
            Vì vậy, về quê vợ dự một đám cưới của một gia đình thôn quê bình thường lại thấy nhớ “da diết” Bảo Ninh và cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng nhưng cũng rất nhiều tai tiếng.
Cuốn sách vừa rồi đã được lãnh đạo Hội Nhà Văn VN đề cử Giải thưởng Nhà nước năm 2016 nhưng đã bị loại ở vòng xét cao nhất. Bảo Ninh viết cuốn sách với dụng ý chính ngược với mọi người, cho ngày giải phóng, thống nhất đất nước không phải là niềm vui vĩ đại của dân tộc mà là “nỗi buồn”; đội quân chiến thắng mà chính Bảo Ninh đứng trong đó không phải là anh hùng mà là man rợ, y như đàn chị nhà văn Dương Thu Hương từng xạo: “Ngày giải phóng tôi khóc như cha chết vì nhận ra đội quân chiến thắng mà mình đứng trong đó là đội quân man rợ!” Nhà thơ Nguyễn Duy chắc thấy đàn em Bảo Ninh nói ngược hiệu quả quá (được giải thưởng tiền của nước ngoài tùm lum), sang Mỹ cũng cao giọng phán: “Suy cho cùng thì với cuộc chiến nào nhân dân cũng thất bại”.
          Đất nước ta sau cuộc chiến vừa trắng tay và gần như “trắng” cả trình độ khoa học công nghệ và kinh nghiệm điều hành nền kinh tế, đến nay còn như một công trường ngổn ngang, còn nhiều yếu kém, sai phạm, trộm cắp, nhiều vùng sâu, vùng xa dân còn khổ, nhiều gia đình có hoàn cảnh không may còn khổ, nhưng đại thể cuộc sống của người dân đã sung sướng hơn xưa rất nhiều. Tôi viết về ba cái đám cưới ở trên không tình cờ mà như những chứng cớ. Nhưng được vậy chúng tôi cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, Đảng và Nhà nước không đè chúng tôi ra nhét hạnh phúc vào mồm, mà chỉ tạo ra một không gian sống. Nếu ai đó chịu làm, chăm làm, tiết kiệm thì cũng sẽ được như chúng tôi, có một cuộc sống ổn định.
          Vì vậy, cả Bảo Ninh, cả Dương Thu Hương và Nguyễn Duy, v.v… đều xạo. Nói theo ngôn ngữ pháp luật là xuyên tạc. Nhưng tôi thấy nếu người thua Việt Nam không phải là Mỹ mà là một nước nghèo như châu Phi thì chắc chắn không có những kiểu sám hối ngược như mấy ông, bà trên. Vì vậy giọng điệu trên thực chất là giọng điệu cơ hội, đón gió, trở cờ.
          Dư luận đang ồn ào ném đá cô nhà báo Lê Bình là không nói đúng bản chất cuộc chiến khi kết luận Ký sự Syria vừa chiếu trên VTV ý là “người dân Syria cầm súng của các nước bắn nhau”. Có điều khởi nguồn bất ổn ở Syria chính là những cuộc biểu tình “cách mạng mầu” của chính người dân Syria. Nếu họ không chủ động hoặc không bị giật dây thì sao có thể tạo cơ hội cho nước ngoài can thiệp, giằng xé đất nước, và hôm nay là phiến quân tấn công? Đây chính là một trong những hình mẫu lật đổ thể chế mà bọn quấy rối ở VN học hỏi, nên bu vào mọi cớ, chúng luôn hăng hái kêu gọi biểu tình. Vậy truy tận gốc thì cô Lê Bình đâu có nói sai.
          Thật tiếc không ít nhà văn ở VN không làm thiên chức phản biện để xây dựng xã hội tốt hơn như một bác sĩ chữa bệnh mà vì các động cơ khác nhau, đã tích cực tham gia vào quá trình làm loạn, gây bất ổn xã hội. Từ người trực tiếp thể hiện bằng hành động xuống đường như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, v.v… đến những tác phẩm thể hiện tư tưởng lộn ngược của người viết, trong đó có chính tác phẩm mà Nguyên Ngọc như bà đỡ, luôn ca ngợi, tung hô hết cỡ: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh!
          Còn tôi thì không buồn mà vui không thể tả khi chiến tranh kết thúc, vì thoát chết, được về nhà thăm cha mẹ và vào đại học. Chỉ buồn là sao lãnh đạo Hội Nhà Văn VN đến hôm nay vẫn lơ mơ đề cao cuốn Nỗi buồn chiến tranh nên mới đề cử nó được Giải thưởng Nhà nước?
          (Về Nỗi buồn chiến tranh còn tiếp)
          25-7-2016
          ĐÔNG LA