Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

VÀI Ý VỀ NGUYÊN NHÂN VÀ VIỆC THÁO “NGÒI NỔ” CUỘC “NỔI DẬY” CỦA DÂN XÃ ĐỒNG TÂM

ĐÔNG LA
VÀI Ý VỀ NGUYÊN NHÂN VÀ VIỆC
THÁO “NGÒI NỔ” CUỘC “NỔI DẬY”
CỦA DÂN XÃ ĐỒNG TÂM

Theo VietNamNet (21/04/2017), tối qua, người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) đều vui khi nhận tin Hà Nội quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích khu sân bay Miếu Môn. Ông Bùi Viết Hiểu, 75 tuổi, đại diện bà con thôn Hoành cho hay: “Việc TP trực tiếp thanh tra, kiểm tra toàn diện những vấn đề liên quan này sẽ đem lại câu trả lời chính xác nhất. Người dân sai đến đâu, chúng tôi sẽ chấp nhận hình thức xử lý đến đó; cá nhân nào chiếm dụng đất trái phép, cũng sẽ bị xử lý nghiêm như  Chủ tịch TP đã nói chiều 20/4”.
 Như vậy mong muốn của người dân tại điểm nóng là nghiêm túc và rất “sòng phẳng”.
Vậy tại sao người ta biết sai mà vẫn làm và sẵn sàng chịu “xử lý”? Bản chất vấn đề nằm ở thông tin của ông Bùi Viết Hiểu:
 “Những vấn đề người dân tố cáo tập trung ở ba nội dung chính: việc cắm mốc đất quốc phòng vượt chỉ giới; việc thu hồi, đền bù sai cho 14 hộ dân lấn chiếm đất trái phép với số tiền hàng chục tỷ đồng, trong khi đây là đất nông nghiệp lẽ ra phải chia đều cho các khẩu; công tác xử lý cán bộ, cá nhân sai phạm trong việc lấn chiếm, chiếm dụng đât sân bay Miếu Môn”.
Để khách quan, chúng ta hãy xem thông tin phía ngược lại, tức của những người “may mắn” trong số 14 hộ dân được đền bù kia. Khi trả lời nhà báo Phạm Gia Hiền, một người đã cho biết:
“Tôi chỉ nói ngắn gọn về nguồn gốc đất – đó là việc quan trọng. Trước đất này của dân thật… Đến khi đơn vị bộ đội tiếp quản, thì giao đất cho dân vì không sử dụng đến. Tôi còn giữ các bản hợp đồng của lữ đoàn, báo cáo từng năm một với đơn vị. Chúng tôi hơn chục hộ thuê đất quân đội, hết năm lại lên thanh toán, hết năm lại lên ký hợp đồng mới, năm một. Hàng năm lên tiểu đoàn nộp, người ta có đủ giấy tờ đấy… Nảy sinh cái này vì chúng tôi là những người ở đây được đền bù. Thế người dân bảo sao họ không được đền bù mà mấy ông này được?... Dân người ta tức là gì, ý là hồi xưa … không được đền bù – bây giờ lấy đất thì phải đền bù”.
Như vậy sự khiếu kiện của những người dân bị thiệt thòi xem chừng có phần có lý?
Tiếc là họ cũng không chắc mình hoàn toàn có lý, chính họ đã nhận ra mình có bị kích động, lôi kéo. Cũng theo thông tin của người dân trên:
“Từ hôm qua lên TV, dân nó bảo nhau là chúng nó lừa mình, không phải đất của mình. Dân nó khổ cái là lớp các anh thì chỉ láng máng thôi. Nó phải như lớp chúng tôi, thì già cả chết hết cả rồi, hoặc không muốn nói, mệt lắm”/ “Tỉ lệ người trong làng theo cánh này có cao không?”/ “Trước chỉ khoảng ba chục người. Sau nó mới lên thế này. Tôi nói nhé, là vì nhà nước mình làm không kiên quyết. Bởi vì dân nó bảo, đất của quân đội sao không kiên quyết giữ?... phải nửa làng. Đấy, không xử lý là sai lầm. Nó bắt cán bộ huyện lại, nhưng mình lại ra cảnh cáo. Tôi cho là có vấn đề. Nó lên gào thét, chửi bới ngay trên hội trường. Nó bắt cả phó chủ tịch huyện. Nó lăn cả vào xe. Từ cái chỗ bước đầu ta không làm, nên nó cho là nó đúng. Nó bảo tại sao đất bộ đội mà dân vào chả ai nói gì? Mang máy cày nó cày, cắm cả cờ lên không ai nói gì. Dân chủ quá trớn nên khó chữa. Nó bảo không phải của bộ đội đâu, bộ đội động vào nó tóm cổ chứ ai cho làm. Nó còn phao tin đất này mai đây đền đến 6 triệu 1m2 cơ mà. Nó bảo Viettel nhiều tiền lắm, bao nhiêu nó cũng trả. Cho nên tôi nói quân đội có cái sai lầm là không giữ được ngay từ đầu”.
***
Liên tục trong suốt thời gian vừa qua người dân nhiều nơi liên tục khiếu kiện, tụ tập đông người, biểu tình, đỉnh điểm là sự “nổi dậy” của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, “rào làng chiến đấu”, tấn công cán bộ, bắt giữ công an thi hành nhiệm vụ. Có nhiều nguyên nhân: người dân bị những kẻ xấu kích động, lôi kéo; người dân không hiểu pháp luật; và cũng có phần người dân bị oan sai.
Chuyện dân oan đúng là có thật, còn có nhiều nữa trong xã hội chúng ta. Chính tôi đây cũng từng là dân oan, nhưng tôi vẫn viết như chưa hề có gì xảy ra. Đơn giản là vì tôi không chấp, tôi luôn viết vì cái đại thể, vì lợi ích chung, vì cái quý giá nhất là sự ổn định và thanh bình của đất nước. Kế nữa là chuyện tôi chứng kiến, cô Vũ Thị Hòa khi giúp tìm hài cốt liệt sĩ thất lạc đúng là điển hình của một dân oan. Thực tế cô đúng là đại ân nhân của nhiều gia đình nhưng lại bị rất nhiều cá nhân và cơ quan vu khống cô lừa đảo. Chính tôi đây nếu không giúp cô làm đơn kiện tất cả “chúng nó” thì cô bị bắt từ lâu rồi. Có thời đi đâu cô cũng phải bịt mặt, về quê gặp con cũng phải hẹn chỗ bí mật!
Như vậy vụ dân “nổi dậy” ở Đồng Tâm cần phải xem lại phần đền bù giữa những người lấn chiếm có giấy tờ và không có giấy tờ, sao cho có tình có lý và công bằng hơn, tránh thiệt thòi cho người dân. Cần nghiêm trị cả những cán bộ tham nhũng lẫn những kẻ chủ mưu kích động bạo loạn. Pháp luật không nghiêm tất xã hội sẽ loạn!
Tiếc là cũng như nhiều lĩnh vực trong xã hội còn yếu kém nền pháp luật của chúng ta đúng là còn rất yếu kém. Một mặt pháp luật không nghiêm, nhất là đối với bọn trí thức ngu dốt, lưu manh, tự do xuyên tạc, phóng đại, chửi chế độ như hát hay; ngược lại lại nghiêm quá, bỏ tù oan người ta, điển hình như vụ các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, v.v… Chuyện dân Đồng Tâm “nổi dậy” hôm nay nguyên nhân cơ bản cũng là do sự không nghiêm minh của pháp luật!
21-4-2017
ĐÔNG LA